Trang chủ
|
Doanh nhân
|
Doanh nhân Phùng Xuân Khánh, CEO Tiên Phong Travel: Chia sẻ để lớn mạnh hơn
Doanh nhân Phùng Xuân Khánh, CEO Tiên Phong Travel: Chia sẻ để lớn mạnh hơn
Tác giả:
Admin
|
19/06/2024
Mục tiêu kinh doanh của doanh nhân Phùng Xuân Khánh là chia sẻ lợi ích và trao quyền cho các cộng sự để mang hạnh phúc tới khách hàng thông qua những trải nghiệm du lịch độc đáo, khác biệt.
Doanh nhân Phùng Xuân Khánh, CEO Tiên Phong Travel.
Đau đáu nâng tầm văn hóa cho người Việt
Những ngày đầu tháng Tư, cung đường từ Hà Nội lên Tuyên Quang dường như thơ mộng hơn với sắc trắng tím của hoa xoan ta. Qua cửa kính ô tô, quê hương Việt Nam hiện lên thật thanh bình và tươi đẹp. Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi và doanh nhân Phùng Xuân Khánh bắt đầu với những hình ảnh đó và kéo dài gần 3 giờ đồng hồ trên chiếc ô tô 29 chỗ từ Hà Nội đến Thành Tuyên.
Dường như, với vị CEO sinh năm 1975 này, nghề du lịch đã trở thành đam mê, thành lẽ sống, ăn sâu vào máu thịt, đến mức “suốt cuộc đời này không thể từ bỏ, dẫu có nhọc nhằn, chông gai đến nhường nào”.
Chẳng thế mà, trong suốt hơn 2 năm “sóng thần” Covid-19 hoành hành, doanh nhân Phùng Xuân Khánh không một ngày thôi trăn trở, đau đáu thiết kế những tour, tuyến, sản phẩm du lịch hấp dẫn cho ngày trở lại. Bởi với ông, hy vọng là thứ không thể mất.
Còn nhớ, năm 2020, Tiên Phong Travel ra mắt chùm tour “Hà Nội 36 phố phường” với những trải nghiệm đầy mới lạ và giàu xúc cảm, tạo nên sự khác biệt so với các tour du lịch khác khi khơi dậy được các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống của Thủ đô Hà Nội hơn ngàn năm văn hiến. Từ đó, những nét đẹp của thiên nhiên, văn hóa và con người Thủ đô cũng lan tỏa mạnh mẽ trong lòng du khách gần xa.
Quen biết doanh nhân Phùng Xuân Khánh gần chục năm qua, chưa bao giờ tôi thấy ông cạn ý tưởng và sức sáng tạo. Ông đang khảo sát để thiết kế tour du lịch tự lái xe về các miền quê ở châu Âu cho du khách Việt Nam. “Thực tế, du khách Việt Nam thường chỉ du lịch tại những thành phố lớn ở Mỹ, ở châu Âu, nên thường nghĩ rằng, kinh tế Việt Nam đi sau họ cả trăm năm. Nếu có cơ hội tìm hiểu kỹ sẽ thấy, vài chục năm nữa, kinh tế Việt Nam có thể đuổi kịp các quốc gia phát triển, nhưng văn hóa thì lại khác”, ông Khánh suy tư.
Bởi thế, Tiên Phong Travel sẽ tổ chức tour tự lái xe đến các vùng quê ở châu Âu với khát khao thay đổi nhận thức, nâng tầm văn hóa cho người Việt. Hướng ánh mắt ra ngoài cửa kính ô tô, vị doanh nhân chỉ tay về phía những ngôi nhà lợp mái tôn, tấm xi măng lượn sóng với đủ màu sắc, kiểu dáng không theo lối kiến trúc nào, nằm rải rác hai bên đường, giọng trùng xuống: “Làng quê Việt Nam vốn rất trù phú, tươi đẹp, lại trở nên xấu xí bởi những ngôi nhà như thế”.
Theo ông, Chương trình Xây dựng nông thôn mới hướng tới mục tiêu rất tuyệt vời là giúp đời sống bà con ở nông thôn trở nên văn minh hơn, nhưng nhiều địa phương lại làm không đúng, tiến hành bê-tông hóa khắp nơi. Những hàng rào cây ruối, mây, cúc tần, dâm bụt xanh mướt bị chặt hết, trưa hè trở nên nóng nực hơn vì chẳng còn những cây to xanh mát. Những nơi đất bằng phẳng, màu mỡ nhất, giao thông thuận tiện thì làm nhà, làm khu công nghiệp. Trong khi đó, người dân vùng quê tại châu Âu thường sinh sống thành chòm xóm ở những sườn đồi, triền núi, thảo nguyên, nơi đất đai ít màu mỡ, khó canh tác và máy móc không thể thay thế sức người, vừa để bảo vệ nhau, vừa để dành những vùng đất bằng phẳng rộng lớn cho sản xuất nông nghiệp. Bởi thế, những ngôi nhà, ngôi làng ở đó tuyệt đẹp, phong cảnh hữu tình.
“Tôi rất tâm đắc khi tại Đại hội Đảng lần thứ XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh vấn đề xây dựng văn hóa, và văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”, doanh nhân Phùng Xuân Khánh bày tỏ. Ông cho rằng, nếu không xây dựng được văn hóa, thì rất khó phát triển kinh tế, hoặc nếu phát triển được kinh tế thì khi nhìn lại, sẽ hối hận vì thiếu giá trị cốt lõi là văn hóa. Ở góc độ doanh nghiệp cũng vậy, các tập đoàn, doanh nghiệp lớn ngày càng phát triển bởi vì họ đã xây được văn hóa doanh nghiệp vững chắc.
Không chọn lớn nhất, mà chọn chia sẻ
Sinh ra ở huyện Thanh Oai (Hà Nội) trong một gia đình không mấy khá giả, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, năm 1997, Phùng Xuân Khánh bắt đầu theo học ngành quản trị kinh doanh lữ hành, sau đó học quản trị kinh doanh và ngoại ngữ.
Năm 2001, Phùng Xuân Khánh vừa đi học, vừa đi làm tại Công ty Lữ hành Vietravel. Chỉ sau một thời gian ngắn, với tình yêu lịch sử, văn hóa, đam mê du lịch, khám phá và khả năng sáng tạo thiên phú, Phùng Xuân Khánh đã trở thành Trưởng phòng Điều hành tour outbound.
Trưởng thành ở một trong những hãng lữ hành lớn nhất Việt Nam, tình yêu nghề du lịch qua những công việc, trải nghiệm, kinh nghiệm thực tế ngày càng lớn hơn, năm 2011, Phùng Xuân Khánh quyết định “ra riêng”, thành lập Tiên Phong Travel với khát khao hiện thực hóa những ý tưởng của bản thân.
Thời gian đầu, Tiên Phong Travel tập trung vào thị trường khách đoàn với 2 mảng nội địa và outbound. “Tôi còn nhớ, đoàn khách đầu tiên mà Tiên Phong Travel phục vụ lên tới 310 khách của Ngân hàng BIDV, đi du lịch tại Phú Quốc. Có lẽ, các doanh nghiệp lớn chọn Tiên Phong Travel vì chúng tôi mang đến cho họ những hoạt động trải nghiệm, trò chơi, gala dinner, team building… không chỉ có tính giải trí cao, mà còn rất văn minh, độc đáo, khác biệt”, CEO Phùng Xuân Khánh tự hào kể.
Năm 2014, khi doanh nghiệp đã vững vàng, Tiên Phong Travel mở thêm mảng inbound cùng các dịch vụ tư vấn du lịch, đại lý vé máy bay, vé tàu, cung cấp dịch vụ nhà hàng, khách sạn, dịch vụ vận chuyển ô tô.
Theo doanh nhân Phùng Xuân Khánh, hiện nay, vai trò tư vấn cho khách lẻ, nhóm nhỏ của các hãng lữ hành ngày càng ít dần khi khách có thể tiếp cận những nguồn thông tin đa dạng, đăng ký và chuyển tiền ngay trên app hoặc website. Tuy nhiên, sau khi Covid-19 được khống chế, thị trường du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo…) vốn là thế mạnh của Tiên Phong Travel sẽ phát triển bùng nổ
Lý do là, tuy Covid-19 cơ bản được khống chế, nhưng mọi người vẫn còn tâm lý lo lắng, nên các hoạt động du lịch kết hợp công việc sẽ được chọn, thay vì du lịch thuần túy. Mặt khác, sau 2 năm dịch bệnh, nhiều hội nghị, hội thảo, sự kiện quốc tế bị hoãn đang được khởi động trở lại song hành với các kế hoạch kinh doanh, xúc tiến thương mại, chăm sóc khách hàng, ra mắt sản phẩm mới… Nhu cầu đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam cũng rất lớn. Bởi thế, giai đoạn này chính là “thời của MICE”.
Trước đây, Tiên Phong Travel mong muốn phục vụ du khách đến và đi tới tất cả các thị trường trong nước và quốc tế, nhưng hiện nay, doanh nghiệp chỉ tập trung vào những thị trường trọng điểm để chăm sóc và phục vụ du khách một cách tốt nhất. Đơn cử, với mảng inbound, Tiên Phong Travel chỉ tập trung đón khách Tây Ban Nha, Indonesia và Philippines để nghiên cứu kỹ nhu cầu, thị hiếu của du khách, từ đó xây dựng sản phẩm và quảng bá có trọng tâm, trọng điểm.
“Du khách Indonesia và rất thích Đà Nẵng vì yêu thích Bà Nà Hills và Sapa (Lào Cai) vì muốn check-in đỉnh Fansipan - “nóc nhà Đông Dương”. Đây là hai thị trường ngách, nhưng hứa hẹn đầy tiềm năng. Nếu thuận lợi, cuối tháng này, chúng tôi sẽ đón những chuyến bay charter (thuê nguyên chuyến) đầu tiên từ Indonesia đến TP.HCM”, ông Khánh bật mí.
Những người tuổi Ất Mão thường tốt bụng, thân thiện và quý trọng các mối quan hệ, kể cả gia đình lẫn bạn bè. Họ thường khoan dung, độ lượng với lỗi lầm của người khác nên dễ giữ được các mối quan hệ tốt đẹp. Họ cũng là người hết lòng vì bạn bè, gia đình, không mấy khi tính toán thiệt hơn mà luôn chủ động, tự nguyện giúp đỡ người khác lúc nguy nan… Có lẽ, doanh nhân Phùng Xuân Khánh sở hữu tất thảy những nét tính cách ấy. Trong kinh doanh, ông không chọn lớn nhất, mà chọn chia sẻ để lớn mạnh hơn, phát triển bền vững hơn.
Với các mảng nội địa, outbound, inbound, dịch vụ làm visa, Tiên Phong Travel thành lập các trung tâm trực thuộc thay vì mở công ty con để nâng doanh nghiệp thành tập đoàn. Doanh nhân Phùng Xuân Khánh chia sẻ: “Tôi không quan trọng về tên gọi của doanh nghiệp. Những trung tâm thuộc Tiên Phong Travel do tôi đầu tư 100% vốn, sau đó giao từ 20 - 50% cổ phần cho người điều hành. Đơn cử, mảng inbound của Tiên Phong Travel đang chia sẻ 20% cổ phần cho người điều hành ở Tây Ban Nha, 30% cho người điều hành tại Công ty. Khi có lãi, sẽ trừ khoản đầu tư ban đầu và chia lợi nhuận. Đến khi các trung tâm này lớn mạnh, sẽ tách thành công ty độc lập. Như vậy, các cộng sự của tôi sẽ làm việc với 100% năng suất, thậm chí sức sáng tạo càng thăng hoa vì càng làm được nhiều, càng sáng tạo, họ càng được hưởng nhiều lợi ích”.
Mục tiêu kinh doanh của Tiên Phong Travel là chia sẻ lợi ích cho nhiều người. “Tôi mong những người cộng sự tham gia điều hành Công ty đều được hưởng lợi nhuận và được trao quyền, từ đó mang hạnh phúc đến với khách hàng qua những sản phẩm, dịch vụ du lịch độc đáo và khác biệt”, doanh nhân Phùng Xuân Khánh nói.
Theo Hồ Hạ