Thủ tướng yêu cầu Ban Quản lý lăng tiếp tục phát huy trách nhiệm, nâng cao năng lực để thực hiện tốt nhất nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh.
"Cần ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong nghiên cứu về ướp bảo quản; đẩy mạnh hợp tác trong nghiên cứu và thực nghiệm khoa học, phấn đấu đến năm 2030 làm chủ hoàn toàn và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, an toàn tuyệt đối thi hài Bác", người đứng đầu Chính phủ nói.
Thủ tướng yêu cầu các đơn vị phát huy hơn nữa tinh thần sáng tạo để không gian quảng trường Ba Đình và các di tích liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, khu tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ mãi là nơi tìm về của mỗi người dân Việt Nam khi đến Hà Nội. Cụm di tích Ba Đình phải là "địa chỉ đỏ" giáo dục truyền thống cách mạng, nâng cao tinh thần yêu nước và là nơi truyền cảm hứng cho đồng bào, chiến sĩ cả nước.
Ban Quản lý lăng có nhiệm vụ tổ chức phục vụ tốt, chu đáo các hoạt động thăm viếng của du khách. Thành phố Hà Nội được giao giải quyết tốt các vấn đề liên quan giải phóng mặt bằng khu nhà phía nam sân cỏ quảng trường Ba Đình.
Người đứng đầu Chính phủ nhất trí tiếp tục mở cửa để đón du khách vào lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh từ ngày 13/8.
Theo thống kê, từ 15/8/2023 đến 31/7/2024, Ban Quản lý lăng đã đón tiếp gần 2 triệu lượt đồng bào và khách quốc tế đến viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh; gần 14.000 lượt người viếng Đài Tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, Ban Quản lý cũng đón tiếp hơn 1,6 triệu lượt khách thăm Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch; đón tiếp hơn 430.000 lượt khách thăm Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Đặc biệt, Ban Quản lý lăng đã thực hiện tu bổ định kỳ công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 2024 "bảo đảm chất lượng, an toàn tuyệt đối, đúng tiến độ đề ra".
Ngày 2/9/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời. Bộ Chính trị, Trung ương Đảng quyết nghị "chúng ta phải thực hiện đến mức tốt nhất nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài và xây dựng lăng của Người". Ngay sau đó, các chuyên gia y tế Liên Xô và Việt Nam đã giữ gìn thi hài Hồ Chủ tịch.
Năm 1994, Việt Nam tự chủ làm thuốc thường xuyên; năm 2004 tiếp nhận chuyển giao và xây dựng được hệ thống phòng thí nghiệm tự pha chế, kiểm nghiệm dung dịch ướp bảo quản. Năm 2019, Việt Nam hoàn thành tiếp nhận chuyển giao công nghệ, chủ động sản xuất, khai thác, chuẩn bị và giám định chất lượng của bộ quần áo bằng vải cao su đặc biệt để làm nhiệm vụ y tế giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh.