Bầu cử Tổng thống Mỹ 2024: Có quá ít thời gian để đảng Cộng hòa “bẻ lái”
Việc đảng Dân chủ đổi ứng cử viên từ Tổng thống Joe Biden sang Phó Tổng thống Kamala Harris khiến đảng Cộng hòa phải “bẻ lái” khẩn cấp. Họ đang khẩn trương chuyển hướng “tấn công” bà Harris với hy vọng sớm tìm ra những điểm yếu của đối thủ mới khi chỉ 3 tháng nữa là đến ngày bầu cử.
Bù đắp thời gian đã mất
Kể từ khi kiểm soát Hạ viện vào năm 2023, đảng Cộng hòa đã dồn phần lớn sức mạnh vào các cuộc điều tra về Tổng thống Joe Biden và gia đình ông, tìm kiếm bằng chứng về hành vi sai trái nếu có của người đứng đầu Nhà Trắng với hy vọng có thể làm giảm triển vọng tái đắc cử của ông.
20 tháng và nhiều phiên điều trần sau đó, họ đã đưa ra một báo cáo điều tra luận tội chưa được công bố, phần lớn liên quan đến các giao dịch tài chính phức tạp của con trai và anh trai của một người... không còn tranh cử tổng thống nữa.
Bà Harris đứng trước cơ hội lớn để sửa chữa những sai lầm mà ông Biden mắc phải trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ năm nay. Ảnh: GI.
Toàn bộ đảng Cộng hòa, từ cựu Tổng thống Donald Trump trở xuống, vì thế đang nỗ lực điều chỉnh chiến lược của mình để đối đầu với Phó Tổng thống Kamala Harris. Và, tại Hạ viện, những nghị sĩ Cộng hòa cũng vội hướng sang mục tiêu điều tra mới khi chỉ còn 3 tháng nữa là đến cuộc bầu cử.
Tuy nhiên, về cơ bản, họ đang bắt đầu từ vạch xuất phát. Trong một năm rưỡi qua, đảng Cộng hòa gần như không dành thời gian để điều tra bà Harris. Mãi đến tuần trước, Hạ nghị sĩ James Comer của đảng Cộng hòa, Chủ tịch Ủy ban Giám sát Hạ viện, mới công bố một cuộc điều tra về bà Harris liên quan đến vấn đề nhập cư ở biên giới phía Nam.
Trong một lá thư gửi cho Troy Miller, quyền Giám đốc Cơ quan hải quan và bảo vệ biên giới Hoa Kỳ, Hạ nghị sĩ James Comer yêu cầu cung cấp mọi tài liệu và thông tin liên lạc nào giữa cơ quan này và bà Harris liên quan đến biên giới phía Nam hoặc nhập cư bất hợp pháp. Trong thư, ông Comer viết rằng vì bà Harris "được giao vai trò quan trọng trong phản ứng của Tổng thống Biden đối với cuộc khủng hoảng biên giới, nên người Mỹ xứng đáng được biết toàn bộ vai trò của bà".
Mục tiêu rất rõ ràng: ông Comer muốn chứng minh rằng bà Harris đã không giải quyết được các vấn đề ở biên giới phía Nam, vốn là một trong những hướng công kích chính của phe ông Trump nhằm vào bà Harris. Và, để tăng thêm sức nặng, vào cuối tháng 7, Hạ viện cũng đã bỏ phiếu thông qua một nghị quyết mang tính biểu tượng phê phán bà Harris thông qua những điều mà họ cho là sai lầm trong cách chính quyền Tổng thống Biden xử lý vấn đề biên giới.
Những nỗ lực không đem lại hiệu quả
Nhưng, cho đến nay, các cuộc điều tra vẫn chưa phát hiện ra bất kỳ thông tin mới nào về bà Harris có thể hữu ích cho chiến dịch tranh cử của ông Trump. Và, đảng Cộng hòa không có nhiều thời gian để tìm ra giải pháp vì chỉ còn 3 tháng nữa là bầu cử trong khi Quốc hội cũng sẽ nghỉ họp từ nay cho đến tháng 9.
Ngược lại, những nỗ lực điều tra của đảng Cộng hòa nhằm vào vấn đề xử lý biên giới lại đang cho thấy bà Harris đã có những hoạt động tích cực nhằm ngăn chặn dòng người di cư kỷ lục đổ vào Mỹ.
Tổng thống Biden không giao cho Phó Tổng thống Harris chức danh cụ thể hay trách nhiệm giám sát các chính sách thực thi tại biên giới Mỹ - Mexico, như chiến dịch tranh cử của ông Trump đang mô tả. Nhưng, bà đã có vai trò nổi bật trong việc cố gắng đảm bảo rằng làn sóng di cư không trở nên tồi tệ hơn.
Sau khi số lượng người di cư vượt biên giới phía Nam đạt mức kỷ lục vào một số thời điểm trong 3 năm đầu tiên của chính quyền Tổng thống Biden, số lượng người vượt biên hiện đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi ông Biden và bà Harris nhậm chức.
Đúng là những nỗ lực ban đầu của bà trong việc xử lý vai trò của mình và các chính sách của chính quyền đã bị chỉ trích rộng rãi là “vụng về và phản tác dụng”, đặc biệt là khi công chúng đặt câu hỏi tại sao bà không đến thăm biên giới.
Nhưng, sau đó, nỗ lực thuyết phục các công ty quốc tế đầu tư vào Trung Mỹ và tạo việc làm cho những người di cư tương lai của bà Harris đã có một số thành công. Thay vì tìm cách từ chối hoặc giam giữ người di cư tại biên giới Mỹ - Mexico, bà Harris vận động thành công hãng sản xuất phụ tùng ô tô Nhật Bản Yazaki xây dựng một nhà máy trị giá 10 triệu USD tại khu vực phía Tây Guatemala, nơi có tỷ lệ di cư cao.
Bà thúc đẩy một công ty cà phê có trụ sở tại Thụy Sĩ tăng cường mua sắm hơn 100 triệu USD tại một khu vực trồng cà phê hàng đầu ở Trung Mỹ. Bà Harris cũng đã vận động các nhà lãnh đạo từ hàng chục công ty và tổ chức, huy động được hơn 5 tỷ USD từ các quỹ công và tư để tài trợ cho hoạt động phát triển kinh tế của các quốc gia Trung Mỹ.
Mark Schneider, người từng làm việc với các quốc gia Mỹ Latinh và Caribe tại Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Bill Clinton, cho biết: "5 tỷ USD không phải là số tiền lớn, nhưng cũng chẳng dễ dàng để kiếm được. Và, quan trọng nhất, nó liên quan đến việc tạo ra việc làm".
Jonathan Fantini-Porter, Giám đốc điều hành của Đối tác Trung Mỹ, một tổ chức quan hệ đối tác công tư mà bà Harris có ảnh hưởng mang tính lãnh đạo, cho biết số tiền 5 tỷ USD kể trên đã tạo ra 30.000 việc làm và 60.000 việc làm khác sẽ được tạo ra sau khi các nhà máy tại Trung Mỹ hoàn thành việc xây dựng. Với cách giải quyết tận gốc rễ vấn đề, “nữ tướng” này thực ra vẫn ghi điểm trong chính sách biên giới, qua đó đứng vững trước những công kích từ phe ông Trump.
Các cuộc thăm dò dư luận nói lên điều gì?
Trong bối cảnh ngày bầu cử đang tới gần, những cuộc thăm dò dư luận lúc này có ý nghĩa hơn nhiều so với thời điểm Tổng thống Biden vẫn còn trên đường đua. Và, thật không vui cho phe ông Trump khi các kết quả gần đây lại cho thấy sự ủng hộ với bà Harris tăng lên rõ rệt.
Theo cuộc thăm dò của Ipos công bố hôm 8/8, bà Kamala Harris đang dẫn trước ông Donald Trump với tỷ lệ ủng hộ lên tới 42% so với 37%. Như vậy, nhà lãnh đạo 59 tuổi đã nới rộng khoảng cách dẫn trước kể từ cuộc khảo sát do Reuters và Ipsos phối hợp thực hiện vào ngày 22 và 23/7 (khi đó bà chỉ dẫn ông Trump 3 điểm phần trăm, 37% so với 34%).
Một cuộc khảo sát khác, do NPR, PBS News và Marist phối hợp thực hiện, cũng trả về kết quả là bà Harris dẫn trước ông Trump 3 điểm phần trăm (48% so với 45%). Trong khi đó, cuộc thăm dò do đài CBS News tiến hành từ ngày 30/7 đến ngày 2/8 cho thấy ông Trump và bà Harris đang hòa nhau tại 7 bang chiến trường hàng đầu (Michigan, Pennsylvania, Arizona, Wisconsin, Georgia, Bắc Carolina và Nevada).
Những dữ liệu trên đều chỉ ra màn “thay tướng” của đảng Dân chủ là hợp lý. Khác với Tổng thống Biden, bà Harris chẳng những không bị ông Trump lấn lướt mà còn tạo ra những thách thức mới, “khó nhằn” hơn cho đối thủ.
Theo đánh giá của Báo New York Times, bà Harris đang có cơ hội giành lại các cử tri gốc Arab, Hồi giáo và da đen cho đảng Dân chủ. Với các cử tri gốc Arab và Hồi giáo, điều này đến từ cách tiếp cận nhân văn hơn của bà về nỗi thống khổ của người Palestine tại Gaza. Còn với các cử tri da đen, mọi thứ đang tiến triển tích cực trở lại.
Sự ủng hộ của cử tri da đen với với đảng Dân chủ về cơ bản là nhất quán kể từ thời kỳ dân quyền. Năm 2020, ông Biden từng giành được 92% số phiếu của các cử tri da đen, qua đó góp phần làm nên chiến thắng trên đường đua. Nhưng, trong cuộc thăm dò của Pew Research vào tháng 5, có tới 18% cử tri da đen cho biết họ có xu hướng chuyển sang bỏ phiếu cho ông Trump, tăng 50% so những gì ông Trump nhận được trong cuộc bầu cử năm 2020.
Sau khi ông Biden rút lui và bà Harris bước lên thay thế, tình thế đã đảo chiều. Tháng trước, Win With Black Women, một mạng lưới các nhà lãnh đạo phụ nữ da đen, tổ chức một cuộc gọi Zoom để ủng hộ bà Harris. Gần 44.000 người, chủ yếu là phụ nữ, đã tham gia và quyên góp được hơn 1,5 triệu USD trong vòng chưa đầy 3 giờ.
Cùng tuần đó, hơn 53.000 nhà hoạt động nam giới da đen đã tham gia hội nghị trực tuyến Win With Black Men, thể hiện sự ủng hộ của họ đối với bà Harris. Những người tổ chức thông báo rằng họ đã huy động thành công hơn 1,3 triệu USD cho chiến dịch của bà Harris chỉ trong 4 giờ.
Hạ nghị sĩ Jim Clyburn, một trong những nhà lãnh đạo da đen nổi bật nhất trong đảng Dân chủ, mới đây cũng đứng về phía bà Harris. Ông Clyburn đã đóng vai trò quan trọng trong chiến thắng của các ứng cử viên tổng thống trước đây. Chẳng hạn, năm 2008 khi là thành viên phe đa số của Hạ viện, ông đã ủng hộ ông Barack Obama trong chiến dịch tranh cử thành công của vị Tổng thống Mỹ gốc Phi đầu tiên. Hoặc, sự ủng hộ của ông Clyburn dành cho Tổng thống Biden trước cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ tại Nam Carolina năm 2020 cũng được cho là đã làm hồi sinh chiến dịch của ông Biden, dẫn đến chiến thắng quyết định.
Ngày 22/7, nhóm nghị sĩ da đen tại Quốc hội, bao gồm hơn 60 thành viên của Hạ viện và Thượng viện, đã tuyên bố ủng hộ bà Harris. Trước đó 1 ngày, Letitia James - người da đen đầu tiên giữ chức Tổng chưởng lý New York - cũng cho biết bà sẽ lãnh đạo “một liên minh gồm mọi tổng chưởng lý da đen trên toàn quốc” để ủng hộ Phó Tổng thống Kamala Harris.
Điều đáng nói, tham gia liên minh của bà Letitia James có các tổng chưởng lý từ các bang dao động như Nevada và Minnesota. Tất cả cho thấy, bà Harris có cơ hội lớn để sửa chữa những sai lầm mà ông Biden mắc phải. Và, đấy hẳn là điều ông Trump không muốn chút nào, khi chỉ còn 3 tháng nữa là đến ngày bầu cử.